VOV.VN - Từ ngày 21/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Khóa 79 và làm việc tại Hoa Kỳ.
Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Putin tạo ra “xung lực” mới cho quan hệ chiến lược Nga-Trung
Ngày 17/5/2024, Tổng thống Nga Putin đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Trung Quốc kéo dài trong 2 ngày. Những kết quả đạt được trong chuyến thăm đã tạo ra một “xung lực” mới trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga -Trung, đồng thời đặt ra cho Mỹ nhiều “bài toán khó”.
Tổng thống Nga Putin tới Bắc Kinh vào sáng sớm ngày 16/5 theo giờ địa phương. Chuyến thăm diễn ra vào dịp Nga - Trung Quốc hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; đồng thời, cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Putin sau khi tái đắc cử.
Trước đó, vào tháng 3/2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng lựa chọn Nga làm điểm đến đầu tiên trong các chuyến công du nước ngoài sau khi được tái bổ nhiệm nhiệm kỳ thứ ba. Trợ lý Tổng thống Nga Yury Ushakov nhấn mạnh “truyền thống này là minh chứng rõ nhất khẳng định quan hệ hợp tác Nga - Trung Quốc đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ và cả hai đều quan tâm, ưu tiên thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương. Và tất nhiên, điều này cũng phản ánh sự gắn kết cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo”.
Các cuộc hội đàm giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra tại Đại lễ đường Nhân dân, nơi tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc và các sự kiện chính trị lớn khác của đất nước. Nhà lãnh đạo Trung Quốc tiếp đón Tổng thống Nga Putin tại quảng trường Thiên An Môn trước sự chứng kiến của đội danh dự. Lễ đón diễn ra trong không khí trang nghiêm, trọng thể theo nghi thức cao nhất.
Hai nhà lãnh đạo bắt đầu cuộc hội đàm với thành phần tham gia ở diện hẹp, sau đó được mở rộng với sự tham gia của hai phái đoàn. Tháp tùng Tổng thống Putin có tân Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Andrei Belousov, Thư ký Hội đồng An ninh Sergei Shoigu, Ngoại trưởng Sergei Lavrov và Trợ lý Tổng thống Yury Ushakov. Tại các cuộc hội đàm, Tổng thống Putin đánh giá cao những kết quả đạt được trong quan hệ hợp tác song phương Nga - Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại. Năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều Nga - Trung Quốc đã tăng gần 1⁄4, đạt 227 tỷ USD. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, việc không ngừng làm sâu sắc hơn mối quan hệ Nga - Trung Quốc đã trở thành “yếu tố duy trì sự ổn định chiến lược toàn cầu và dân chủ hoá quan hệ quốc tế”. Theo ông Tập, “trong ba phần tư thế kỷ qua, quan hệ Trung - Nga đã được rèn giũa trong những điều kiện khó khăn, vượt qua thử thách của tình hình quốc tế đang thay đổi và ngày nay đại diện cho tiêu chuẩn của mối quan hệ giữa các cường quốc và các nước láng giềng, đặc trưng bởi sự tôn trọng, tin cậy lẫn nhau, hữu nghị và cùng có lợi”.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, ngày 17/5, Tổng thống Nga Putin đã tới Cáp Nhĩ Tân, nơi được cho là tập trung nhiều người Nga ở Trung Quốc, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang, giáp 5 vùng của Liên bang Nga. Tại đây, nhà lãnh đạo Nga tham dự lễ khai mạc Hội chợ triển lãm Nga - Trung lần thứ VIII và Diễn đàn Nga - Trung về hợp tác liên khu vực lần thứ IV. Cuộc gặp tiếp theo của hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10/2024 tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở thành phố Kazan, Nga.
Bắc Kinh bày tỏ rõ lập trường về vấn đề Ukraine trong tuyên bố chung Trung - Nga
Kết thúc các cuộc hội đàm, một tuyên bố chung đã được công bố về việc làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga - Trung Quốc. Theo đó, tuyên bố chung nhấn mạnh, quan hệ hợp tác Nga - Trung Quốc không mang tính cơ hội và nhằm vào bên thứ ba. “Là trung tâm độc lập của thế giới đa cực mới nổi, Nga và Trung Quốc sẽ tận dụng tối đa tiềm năng của quan hệ song phương để thúc đẩy một trật tự thế giới đa cực công bằng, bình đẳng, dân chủ hoá quan hệ quốc tế”.
Tuyên bố nhấn mạnh cam kết của hai bên nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực, từ chống biến đổi khí hậu, khoa học - công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI), đến ngăn chặn chủ nghĩa thực dân kiểu mới và lên án hành vi xuyên tạc lịch sử của Thế chiến thứ II. Hai bên cam kết tăng cường hợp tác thương mại - đầu tư, sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán, tăng nguồn cung dầu khí, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân vì mục đích hoà bình, bao gồm cả việc cùng xây dựng các nhà máy điện hạt nhân và các tuyến đường vận chuyển mới.
Quan trọng, tuyên bố chung ghi nhận sự đồng thuận, nhất trí cao của Moscow đối với “quan điểm khách quan và không thiên vị” của Bắc Kinh liên quan đến cuộc xung đột quân sự tại Ukraine. Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết phải chấm dứt tình hình căng thẳng tại Ukraine và khẳng định tầm quan trọng của đối thoại là giải pháp tối ưu để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
Bên cạnh đưa ra tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo chứng kiến lễ ký kết 10 văn kiện hợp tác, cụ thể là:
- Kế hoạch phát triển đảo Bolshoy Ussuriysky, nơi có lãnh thổ được phân chia giữa Trung Quốc và Nga;
- Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Phát triển Kinh tế Nga và Bộ Thương mại Trung Quốc;
- Kế hoạch hành động chung giữa Cơ quan liên bang Giám sát và Bảo vệ người tiêu dùng (Rospotrebnadzor) và Tổng cục Hải quan Trung Quốc;
- Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với các sản phẩm từ cây cúc vu xuất khẩu từ Nga sang Trung Quốc;
- Nghị định thư về kiểm tra, kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thịt bộ xuất khẩu từ Nga sang Trung Quốc;
- Thoả thuận hợp tác giữa ITAR-TASS và hãng thông tấn Tân Hoa Xã;
- Biên bản ghi nhớ tổ chức Diễn đàn chuyên gia các nước BRICS;
- Biên bản ghi nhớ giữa Gazprom-Media Holding và China Media Corporatin;
- Bản ghi nhớ hợp tác giữa Uỷ ban Xúc tiến thương mại quốc tế của Nga – Trung Quốc;
- Thoả thuận thành lập khu bảo tồn xuyên biên giới.
Quan hệ lợi ích chiến lược Nga - Trung ngày càng được thắt chặt
Kể từ năm 2013, khi ông Tập Cận Bình lên nắm chính quyền, lãnh đạo hai nước Nga - Trung Quốc đã gặp nhau hơn 40 lần, bao gồm cả các cuộc gặp bên lề tại các diễn đàn đa phương, như BRICS hay Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Theo Giám đốc khoa học của Viện Trung Quốc và châu Á đương đại thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, Alexander Lukin đánh giá, tần suất các cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo cho thấy mối quan hệ hợp tác song phương đang ở mức độ cao và giữa hai nước có rất nhiều lợi ích chung, ràng buộc. Trong khi đó, ông Alexander Lomanov, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế và quan hệ ngoại giao thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, cho rằng, Bắc Kinh đang dựa vào “chính sách ngoại giao của những quan chức hàng đầu”. “Đối với Trung Quốc, các ý tưởng chính sách đối ngoại của Chủ tịch Tập Cận Bình là nền tảng quan trọng. Đây không phải là một kiểu khái quát trừu tượng theo kiểu chủ trương, đường lối mà là những ưu tiên và hướng dẫn cụ thể. Ông Tập Cận Bình có ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc, đồng thời là người đề cao các giá trị và lý tưởng chiến lược của nước này”.
Trước thềm chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Putin, lần lượt Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã đến thăm Trung Quốc, cũng như chuyến công du châu Âu của Chủ tịch Tập Cận Bình, trong đó ông Tập đã gặp Tổng thống Pháp Macron và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen. Mối quan tâm hàng đầu của phương Tây là làm thế nào để Trung Quốc không đứng về phía Nga và ngừng hậu thuẫn cho chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine; bởi lẽ, theo Mỹ và Liên minh châu Âu, Bắc Kinh là một trong những nhà cung cấp vật liệu và công nghệ chính cho tổ hợp công nghiệp quân sự Nga. Washington và Brussels nhiều lần kêu gọi Trung Quốc ngừng cung cấp các nguồn cung này và gây áp lực bằng cách đe doạ các lệnh trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc.
Theo giới phân tích chính trị, trong bối cảnh cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine đang diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là sau khi Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden mới thông qua gói viện trợ quân sự trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine, thì việc Mỹ lo ngại về mối quan hệ hợp tác Nga - Trung và những tác động của nó đối với cục diện chiến trường Ukraine là hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, những kết quả đạt được trong chuyến thăm, đặc biệt là sự nhất trí cao giữa hai nhà lãnh đạo liên quan đến vấn đề Ukraine sẽ đặt ra cho Mỹ và châu Âu “một bài toán khó”. Trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Moscow và Bắc Kinh đang đặc biệt chú ý đến việc phát triển quan hệ quân sự, bằng chứng là sự tham gia của tân Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Andrei Belousov và Thư ký Hội đồng An ninh Sergei Shoigu trong các cuộc hội đàm. Nga - Trung Quốc đặc biệt quan ngại về việc Mỹ triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở Châu Á. “Các bên lên án mạnh mẽ những bước đi làm leo thang căng thẳng, đe doạ trực tiếp đến môi trường an ninh của Nga và Trung Quốc; đồng thời, cam kết tăng cường hợp tác và phối hợp chặt chẽ nhằm đối phó với đường lối phá hoại và thù địch của Washington đối với cái gọi là ngăn chặn kép đối với hai nước”, theo tuyên bố chung sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai nước nhất trí mở rộng phạm vi tập trận chung và thường xuyên tiến hành tuần tra trên biển và trên không giữa các lực lượng hải quân và không quân của hai nước.
Liên minh quân sự Nga và Trung Quốc - điều Mỹ lo lắng nhất liệu có thể xảy ra?
Không thể phủ nhận thực tế, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga - Trung Quốc đang trong giai đoạn phát triển chưa từng có trong lịch sử. Không chỉ xúc tiến các cuộc gặp thượng đỉnh với tần suất dày đặc, tăng cường trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, năng lượng,... mà hai nước đã truyền cho nhau những thông điệp về việc phát triển quan hệ quân sự song phương để đối đầu với áp lực chưa từng có từ phương Tây. Tuy nhiên, theo giới phân tích chính trị, kịch bản Nga - Trung Quốc thiết lập một liên minh quân sự là khó xảy ra. Nguyên nhân là do áp lực mà phương Tây tạo ra đối với Nga hiện nay là chưa đủ để nước này cần có sự hỗ trợ quân sự từ bên ngoài, có chăng chỉ là sự bảo đảm một đối tác tin cậy có thể giúp nền kinh tế Nga không bị kiệt quệ vì chiến tranh. Còn với Trung Quốc, tình trạng của Nga và căng thẳng trong quan hệ giữa Nga với phương Tây đang tạo cơ hội để Trung Quốc khai thác nhiều lợi ích, nhất là ở góc độ kinh tế. Việc thiết lập liên minh quân sự Nga - Trung Quốc quá sớm có thể làm gián đoạn các lợi ích kinh tế của nước này ở thời điểm hiện tại. Hơn nữa, ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình dương, sức ép của Mỹ và các đồng minh vẫn nằm trong khả năng ứng phó của Trung Quốc. Do vậy, Bắc Kinh chưa có đủ động lực để tính đến phương án thiết lập một liên minh quân sự đối xứng. Sức ép từ phương Tây là chất xúc tác quan trọng thúc đẩy Nga - Trung xích lại gần nhau, nhưng chưa đủ nặng để hai nước này thiết lập một liên minh quân sự trong giai đoạn hiện nay.
Sáng 13/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Lào rời Thành phố Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam.
Tiễn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào cùng Phu nhân và Đoàn tại Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Phó trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Minh Tâm.
Trong thời gian thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Lào đã đến đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đặt vòng hoa tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ trên đường Bắc Sơn, Hà Nội.
Tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân chủ trì Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Lào, được tổ chức trọng thể theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia.
Ngay sau Lễ đón chính thức, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đồng chủ trì Cuộc gặp cấp cao giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Đây là cơ chế hợp tác có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước, góp phần tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân chủ trì chiêu đãi trọng thể chào mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Lào.
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith hội kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Trong thời gian thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đã gặp nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; gặp các nguyên Chủ tịch nước: Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang; tiếp Đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Hữu nghị Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith cùng các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam và Đảng, Nhà nước Lào, đã có cuộc gặp gỡ gặp gỡ cựu quân tình nguyện, chuyên gia, lưu học sinh Việt Nam tại Lào, đại diện thế hệ trẻ Việt Nam và lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đã thăm và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, hai bên đã thông báo về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước, trong đó có công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế-xã hội, trao đổi về tình hình quốc tế, khu vực và những nội dung hai bên cùng quan tâm; đánh giá kết quả hợp tác giữa hai Đảng, hai nước trong thời gian qua, thống nhất những định hướng lớn cho quan hệ hợp tác Việt Nam-Lào trong thời gian tới.
Hai Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chúc mừng những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử mà nhân dân hai nước đã đạt được trong công cuộc đổi mới cũng như trong thực hiện Nghị quyết Đại hội của mỗi Đảng; cảm ơn sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình mà hai Đảng, hai nước, nhân dân hai nước dành cho nhau từ trước đến nay; nhấn mạnh truyền thống lịch sử đoàn kết, gắn bó mật thiết, giúp đỡ lẫn nhau; khẳng định quan hệ Việt Nam-Lào là tài sản chung vô giá của hai dân tộc, là tất yếu khách quan và là nguồn sức mạnh to lớn nhất của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, cần tiếp tục phát huy, giữ gìn và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định trước sau như một, quan hệ Việt Nam-Lào luôn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith khẳng định trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Lào sẽ cùng Việt Nam củng cố, giữ gìn và vun đắp mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào ngày càng phát triển, đơm hoa kết trái, vì lợi ích thiết thực của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith bày tỏ vui mừng, đánh giá cao về quan hệ hợp tác Việt Nam-Lào ngày càng phát triển sâu rộng, đạt kết quả thiết thực trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của mỗi nước; tiếp tục củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào ngày càng phát triển góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Hai nhà lãnh đạo cũng bày tỏ vui mừng về mối quan hệ Việt Nam-Lào-Campuchia ngày càng phát triển tốt đẹp và hết sức coi trọng cũng như mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa 3 Đảng, ba nước, trong đó thực hiện tốt kết quả của Cuộc gặp giữa ba đồng chí đứng đầu ba Đảng cũng như các cơ chế hợp tác ba bên khác.
Tham dự Cuộc gặp cấp cao giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone đã đánh giá cao kết quả hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa giáo dục, khoa học kỹ thuật. Đồng thời đề xuất một số phương hướng hợp tác và các biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác.
Hai Thủ tướng nhấn mạnh cần tạo đột phá trong phát triển kinh tế, thương mại để tương xứng với tầm vóc quan hệ chính trị và tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước, tập trung giải quyết những tồn đọng trong hợp tác, thúc đẩy kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế Việt Nam-Lào và giữa ba nền kinh tế Việt Nam-Lào-Campuchia.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào mong muốn Quốc hội Lào và Quốc hội Việt Nam tiếp tục trao đổi, chia sẻ các bài học kinh nghiệm trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, đưa quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp hai nước ngày càng đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao vị thế của Quốc hội, xứng đáng là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu đại diện cao nhất của nhân dân mỗi nước.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định sẽ cùng tập thể Quốc hội tiếp tục làm hết sức mình để vun đắp cho mối quan hệ tốt đẹp sẵn có giữa hai nước Việt Nam-Lào nói chung và giữa hai Quốc hội nói riêng, vì lợi ích của nhân dân hai nước, không ngừng củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện với Lào.
Các nhà lãnh đạo của hai Đảng, hai nước nhất trí trong thời gian tới cần tích cực triển khai các định hướng trọng tâm đã được lãnh đạo hai bên thống nhất, tiếp tục đưa quan hệ chính trị đi vào chiều sâu, là nòng cốt định hướng tổng thể quan hệ hợp tác; phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề chiến lược, cùng chuẩn bị tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc của mỗi Đảng; tăng cường và phát huy hơn nữa trụ cột hợp tác về quốc phòng, an ninh.
Các nhà lãnh đạo của hai bên nhất trí tăng cường trao đổi thông tin kịp thời, tham vấn, phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực; thực hiện hiệu quả các Tuyên bố chung Việt Nam-Lào và các thỏa thuận giữa hai Đảng, hai Nhà nước, các chương trình hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương, tăng cường tính kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế; có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả quan hệ hợp tác giữa các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể, tổ chức nhân dân, các địa phương, mở rộng hợp tác trực tiếp, hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh, ổn định ở khu vực biên giới.
Hai bên khẳng định cần phát huy hiệu quả các cơ chế hiện có, tiếp tục đổi mới, sáng tạo nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực, đồng thời xây dựng những cơ chế mới phù hợp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào, vì lợi ích thiết thực của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, bà Naly Sisoulith, Phu nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đã đến thăm bà Ngô Thị Mận, Phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và thắp hương tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Phu nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, bà Ngô Phương Ly và Phu nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, bà Naly Sisoulith đã đến thăm Làng trẻ em Birla Hà Nội.
Nhân chuyến thăm, hai bên đã ra "Tuyên bố chung Việt Nam-Lào."
Hai bên nhất trí tiếp tục phát huy và nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các ban của Đảng, các bộ, ngành của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận, Đoàn thể, tổ chức nhân dân và các địa phương của hai nước, nhất là các địa phương có chung đường biên giới. Tích cực trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển; tăng cường giao lưu nhân dân nhất là thế hệ trẻ hai nước.
Hai bên nhất trí và đánh giá cao kết quả tốt đẹp của chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith và chuyến thăm cấp Nhà nước tới Lào của đồng chí Tô Lâm trên cương vị Chủ tịch nước vào tháng 7/2024, là dấu mốc trong lịch sử quan hệ Việt Nam-Lào, góp phần quan trọng vào việc củng cố, vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào phát triển lên tầm cao mới, vì sự phồn vinh của nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới./.
Trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 10-13/9 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, hai bên đã ra "Tuyên bố chung Việt Nam-Lào."